Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Fintech sẽ phát triển như là Internet

Nhận định về tương lai của Fintech sẽ thành công như những gì Internet làm được trong quá khứ được Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia - Vũ Viết Ngoạn chia sẻ trong phiên thảo luận chiều 24/11 của Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam. 

Chia sẻ tại VEPF 2016, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia - Vũ Viết Ngoạn cho rằng Fintech đang phát triển không ngừng, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc và Chính phủ cần sớm có chính sách hỗ trợ.

Vị chuyên gia nhận định toàn bộ mô thức cung ứng dịch vụ tài chính đang thay đổi lớn; người tiêu dùng tiếp nhận dịch vụ tài chính cũng thay đổi. Fintech ra đời đã giúp đối tượng này tiếp cận tới những dịch vụ tài chính, ngân hàng... thông qua chiếc điện thoại cầm tay, trở thành nhà đầu tư, người gửi tiền...
Mở đầu phiên thảo luận trước đó, Vụ trưởng Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - Bùi Quang Tiên cho rằng công nghệ hiện đóng vai trò quan trọng trong toàn cầu và Ngân hàng Nhà nước cũng đang dần thay thế các giải pháp truyền thống bằng công nghệ hiện đại.
Toa-dam-chieu-1-7483-147997775-9847-9434
Nhiều hướng hợp tác giữa Fintech và ngân hàng được đưa ra tại VEPF 2016. Ảnh:Ngọc Thành
Tuy nhiên, để phát triển việc ứng dụng công nghệ vào các dịch vụ thanh toán, Việt Nam cần có hành lang pháp lý rõ ràng. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn về thanh toán điện tử. Họ cũng cấp giấy phép cho 16 tổ chức phi ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Ông nhận xét Fintech giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là thanh toán. Nó cũng giúp cho các ngân hàng thương mại Việt Nam giảm chi phí đầu tư và, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Ivan Mortimer-Schutts - Chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Fintech sẽ có tác động cả về số lượng lẫn biến đổi trong dài hạn với các dịch vụ tài chính. Fintech có thể giúp tối ưu hóa cấu trúc chi phí trong ngành tài chính, giúp các ngân hàng mở rộng diện tiếp cận với khách hàng có tiềm năng doanh thu thấp hơn.
Tuy nhiên, ông cho rằng tích hợp Fintech đối mặt với nhiều thác thức, cả về chính sách, quy định quản lý, cơ sở hạ tầng và dịch vụ Chính phủ. Vì vậy, muốn thúc đẩy Fintech, các bên tham gia cần chấp nhận đột phá, cơ quan quản lý cần theo dõi sát sao và ngân hàng cũng phải luôn bắt kịp nhu cầu từ khách hàng.
Làn sóng Fintech đã bùng nổ trên thế giới suốt 6 năm qua
Ông Phan Thanh Sơn - Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết Fintech đã bùng nổ từ năm 2010, mang lại doanh thu 200 tỷ USD trên toàn cầu. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục với số lĩnh vực thâm nhập ngày càng mở rộng.
Mục tiêu của Fintech là thay thế các kênh truyền thống và khai thác các thị trường mới, với sự trợ giúp của công nghệ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ phổ cập tài chính của người dân vẫn còn thấp, nhất là với nông thôn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt còn e ngại vấn đề bảo mật khi thanh toán.
Dù vậy, ông Sơn khẳng định ngân hàng sẽ vẫn là trung tâm, chịu trách nhiệm kết nối các thành phần kinh tế và cung cấp dịch vụ tài chính. Ông cho rằng Fintech và ngân hàng nên là mối quan hệ hợp tác, thay vì triệt tiêu.
Mr-Son-1-1387-1479972847-9512-1479973164
Phó tổng giám đốc Techcombank - Phan Thanh Sơn cho rằng sự phát triển của Fintech và Ngân hàng không triệt tiêu lẫn nhau. Ảnh: Ngọc Thành
Ngân hàng là điện thoại cố định, Fintech là điện thoại di động
Ở góc độ doanh nghiệp Fintech, ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch NexTech cũng chia sẻ quan điểm Fintech không chỉ là đối thủ, mà còn là đối tác của ngân hàng. Ông kêu gọi các ngân hàng nên cởi mở hơn với Fintech, hỗ trợ nền tảng để Fintech phát triển.
Ông cho rằng hiện tại, các doanh nghiệp Fintech chưa được nhà băng chào đón nhiệt tình để hai bên cùng có lợi. Sự ra đời của Bitcoin là một ví dụ về hệ quả của sự bế quan tỏa cảng từ phía ngân hàng.
Ông nhận xét trong khi các ứng dụng Fintech trên thế giới khá đa dạng, tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của ngành tài chính ngân hàng, thì ở Việt Nam, bức tranh còn khá đơn điệu với đại đa số ứng dụng Fintech tập trung trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Hình thức này chỉ đặc biệt nở rộ hơn một năm gần đây.
Ông so sánh ngân hàng với điện thoại cố định và Fintech với điện thoại di động. Và khi cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng kỹ thuật số) đang diễn ra như hiện nay, cả hai đều phải cùng thay đổi để thành công.
Ông Jan Bellens - Phó tổng giám đốc phụ trách thị trường mới nổi EY cho rằng trên thế giới hiện nay ngày càng có nhiều Fintech hợp tác với ngân hàng, nhưng không ít người e ngại Fintech "giành mất phần" của mình. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy và chúng ta cần nhìn nhận sự hợp tác với Fintech sẽ có nhiều tiềm năng phát triển.
Phân tích về rủi ro của Fintech với ngân hàng, ông Jan Bellens đưa ra 3 ý kiến, đó là rủi ro về pháp lý, rủi ro về đơn vị cung cấp thứ 3 và rủi ro dự án tổng thể. Ông cho rằng quản trị rủi ro liên quan đến Fintech là vấn đề hết sức quan trọng, đảm bảo các nhà băng có thể bảo vệ được thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu khách hàng cũng như đem lại những trải nghiệm dịch vụ mang tính đột phá và tiện ích nhất cho khách hàng.
Ngân hàng và Fintech cần hợp tác với nhau
Trong phiên đối thoại, các đại biểu thảo luận về 3 vấn đề: Liệu Liệu Fintech có giúp Việt Nam rút ngắn quá trình phát triển? Làm sao tạo sân chơi để Fintech phát triển mạnh mẽ và Làm cách nào để đảm bảo an toàn cho quốc gia, người tiêu dùng? Ý kiến chung của những người tham gia đều là Fintech có tiềm năng lớn và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi.
Đứng dưới góc độ “người ngoại đạo”, ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết Fintech là làn sóng không thể dừng. Đây cũng là quan điểm của ông Jan Bellens và ông Trần Hữu Đức.
Ông Ngoạn cho rằng Fintech có thể định hình lại ngành công nghiệp tài chính, giúp mở rộng diện tiếp cận của ngân hàng và có thể phát triển như Internet trước đây. Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank cũng nhận định các ngân hàng đang phải cạnh tranh với Fintech, đối tượng không hề giống mình. Đối tượng đó năng động hơn, sáng tạo hơn - điều hầu hết ngân hàng đang thiếu và "nếu không cản được xu hướng thì phải đi theo xu hướng này".
fintech-se-phat-trien-nhu-internet-page-2-2
Với vai trò điều phối, Chủ tịch Dragon Capital - Dominic Scriven đề nghị các diễn giả "hiến kế" để ngân hàng và Fintech có thể hợp tác. Ảnh: Ngọc Thành
Ông Ivan Mortimer Schutts, Chuyên gia Ngân hàng thế giới - World Bank cho rằng dù còn phát triển ở nền tảng thấp nhưng tốc độ gia tăng về thanh toán điện tử tại Việt Nam rất nhanh. Với bối cảnh này, ngân hàng sẽ có nhiều lĩnh vực để hợp tác với các công ty Fintech. Do vậy, thay vì cạnh tranh hay "đánh nhau" thì hai bên nên hợp tác với nhau để cùng phát triển.
Ông Nguyễn Hòa Bình nhận xét Ngân hàng Nhà nước đã có hỗ trợ rất tốt về pháp lý cho Fintech trong 5 năm qua. Ông hy vọng cơ quan này sẽ tiếp tục phát huy và cởi mở hơn nữa bằng việc cho thí điểm những Fintech như một số nước trên thế giới để tạo điều kiện cho các đơn vị trong ngành phát triển mạnh.
Cơ sở hạ tầng cũng là vấn đề cần cải thiện khi Việt Nam muốn hỗ trợ Fintech phát triển. Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc VIB cho rằng cần tạo cơ sở hạ tầng về phát triển công nghệ, như triển khai các giải pháp mã hoá vân tay để người dân không phải đến ngân hàng nữa mà vẫn có thể thực hiện được giao dịch. Còn ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Techcombank kiến nghị Việt Nam cần một chiến lược tổng thể về phát triển công nghệ số.
Kết thúc phiên thảo luận chủ đề 3 về cơ hội và thách thức với hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam trước làn sóng Fintech, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT nêu kiến nghị diễn đàn. Theo đó, các bên tham gia VEPF đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành ủng hộ, xây dựng khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của Fintech, nhằm thúc đẩy sự phát triển năng động, bền vững và ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét